Làng chiếu Long Định rộn ràng vào vụ Tết
Làng nghề dệt chiếu xã Long Định tại khu phố Lương Minh Chánh có lịch sử hình thành gần 60 năm, do các cư dân vùng chiếu nổi tiếng ở Kim Sơn, Ninh Bình di cư vào Nam năm 1954 và sống quần tụ nơi đây, trở thành nét đặc trưng riêng của xã, đã góp phần phát triển kinh tế của huyện Châu Thành nói chung và của xã Long Định nói riêng. Hiện nay, địa phương có 97 hộ sản xuất, gồm 417 lao động, trong đó có 266 lao động chính, số còn lại là lao động vệ tinh, tận dụng thời gian nhàn rỗi. Hàng tháng sản phẩm của làng nghề sản xuất ra thị trường các tỉnh từ 14.000 - 15.000 chiếc chiếu với giá từ 100.000 - 200.000 đồng/chiếc tùy thuộc vào loại chiếu (chiếu bông, chiếu mè, …). Thị trường chủ yếu là các tỉnh ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và một phần phục vụ xuất khẩu.Để dệt ra được một chiếc chiếu hoàn chỉnh, người thợ cần trải qua rất nhiều công đoạn, như: Kéo sợi, xe sợi, cuộn sợi, sau đó mới đưa vào dệt. Sau khi dệt xong, chiếc chiếu lại tiếp tục được đưa đi in hoa văn theo nhiều mẫu, tiếp đó là đưa vào lò hấp để chiếu được nổi màu và giữ màu, chống mốc…Hiện nay, toàn xã có 77 máy dệt chiếu. Tuy nhiên, một số người dân vẫn giữ và duy trì cách dệt chiếu truyền thống bằng tay. Theo những người thợ tại đây, dệt chiếu thủ công bằng tay tuy vất vả và hiệu quả không cao, nhưng sản phẩm được làm ra đẹp và chắc chắn hơn, bên cạnh đó cũng tiết kiệm được chi phí.
Chiếu Long Định nổi tiếng dày, bền, nằm vừa êm lại thoáng mát, giá phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng nên hàng ngày thương lái các nơi đến mua rất đông.Để sản phẩm ngày càng đáp ứng nhu cầu thị hiếu của thị trường, hiện nay, ngoài sản phẩm chiếu cói truyền thống, người dân Long Định còn nghiên cứu làm thêm sản phẩm chiếu bằng thân cây lục bình phơi khô, một loại nguyên liệu khá phổ biến ở vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long.Sau khi được công nhận làng nghề và sự hỗ trợ đầu tư của tỉnh, nghề làm chiếu thực sự đã trở thành nguồn thu nhập chính của cư dân Long Định. Nhờ có nghề chiếu, cuộc sống của người dân Long Định được nâng cao, xóm làng khang trang, nhà cửa sạch, đẹp hơn trước rất nhiều.
Nam Thái
Nguồn: Tiền Giang